Thursday, March 8, 2012

Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây đu đủ

Cây đu đủ
Đặc tính sinh thái:
Cây đu đủ là cây nhiệt đới, rất sợ sương muối, sức chống rét của đu đủ rất kém. Nhiệt độ thích hợp cho đu đủ sinh trưởng khoảng từ 22-260C. Do sinh trưởng liên tục, khối lượng lá lớn, bốc thoát hơi nước nhiều, đu đủ yêu cầu lượng mưa khoảng từ 1800-2000mm/năm và phân bố đều. Đu đủ là cây không chịu hạn, cũng không chịu úng, do đó đất trồng đu đủ yêu cầu phải đảm bảo tưới tiêu thuận lợi. Đu đủ không thích đất chua, thích hợp với loại đất có độ pH từ 6-8. Đất phù sa ven sông, đất rừng mới khai phá, nhiều mùn thoát nước trồng đu đủ rất tốt. Đu đủ thích ánh sáng, nên nếu trồng xen trong vườn cây thiếu ánh sáng sẽ ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng đu đủ. Đu đủ ít mẫn cảm với quang kỳ, do đó có thể ra hoa kết quả quanh năm miễn là điều kiện thích hợp. Đu đủ chống bảo yếu do bộ rễ thường ăn cạn, nhưng lại có bộ lá dày, quả nhiều, gặp gió bão, đu đủ nặng đầu dễ bị lật đổ, do đó cần chú ý trồng cây chắn gió cho vườn đu đủ ( nếu cần phải làm cây chống).
Cách xác định tính đực, cái và chọn giống cho vườn đu đủ:(dựa theo tài liệu của giáo sư Vũ Công Hậu).
Đu đủ là cây lâu năm nhưng phát dục nhanh, từ trồng đến khi có quả trung bình từ 10 tháng đến 12 tháng, hiện nay hầu hết nhân giống đu đủ thường nhân bằng hạt, do đó dễ có tình trạng biến dị.
Đu đủ có 3 loại cây: Cây mang hoàn toàn hoa đực, cây mang hoàn toàn hoa cái và cây mang hoa lưỡng tính. Qua thực tế các nhà nghiên cứu cho thấy một vườn đu đủ trồng tự nhiên không chọn lọc thì tỷ lệ cây đực là 5,5%, cây cái là 25,7%, tỷ lệ cây lưỡng tính là 68,8%.. Người ta có thể xác định ngay từ đầu những cây đu đủ đực và cái, ở nước ta kinh nghiệm chọn cây cái, đực trong dân gian như sau:
- Chọn hạt: Chọn hạt đen tỷ lệ cái cao, hạt xám, tỷ lệ cây đực nhiều.
- Chọn cây non: Cây to, lá xanh đậm, thân mọc thẳng, rễ cọc ăn sâu thường là cây đực. Ngườc lại cây thấp, màu lá xanh lợt, thân nhỏ hơn, hơi cong, rễ ngang nhiều, rễ cọc yếu, thường là cây cái.
Muốn có vườn đu đủ nhiều cây cái và cây lưỡng tính, biện pháp đang tin cậy nhất là chọn giống. Lấy hạt giống ở những cây lai (giữa cây cái với cây lưỡng tính hoặc lai giữa cây lưỡng tính với cây lưỡng tính).
Kỹ thuật xử lý và gieo hạt sản xuất cây giống:
Trên cây mẹ tốt, không sâu bệnh, chọn quả to vừa chín tới, quả đều đặn. Lấy hạt ở đoạn giữa trái, phần lấy hạt chiếm khoảng 2/3 chiều dài quả. Hạt lấy ra bóp cho tróc lớp màng trong nhớt bao quanh hạt, phơi trong bóng râm cho khô. Hạt đu đủ nhỏ nên lượng giống cần dùng đễ trồng 1 ha chỉ cần khoảng 100gr. Hạt đu đủ nếu bảo quản trong chỗ khô, mát giữ được sức nảy mầm khá lâu.
Trước khi gieo, ngâm hạt vào trong nước có nhiệt độ từ 52-560C (3 sôi + 2 lạnh) trong 10 phút. Sau đó ươm hạt trong tro trấu, tưới nước đủ ẩm. Khi cây cao khoảng 10cm thì bắt đầu cho vào bầu. Hỗn hợp làm bầu gồm (phân chuồng hoai mục, lớp đất mặt và một ít lân). Mỗi bầu chỉ để 1 cây sinh trưởng tốt, khoảng 20 ngày có thể đem ra trồng.
Thời vụ trồng:
Trong điều kiện đảm bảo nước tưới tiêu chủ động, đu đủ có thể trồng quanh năm, nhưng tốt nhất là trồng vào đầu mùa mưa, khoảng tháng 4-6 dl, vừa đỡ thiệt hại do nhiệt độ, vừa đỡ chi phí tưới và thời gian cho thu trái từ tháng 2-6 dl là thời điểm thường bán được giá cao.
Cách trồng:
Đối với đất xám Tây Ninh và miền Đông Nam bộ thì cần đào hố, kích thước hố 40x40x30cm (sâu 30cm). Bón lót khoảng 200gr-500gr vôi vào hố trước khi trồng khoảng 10 ngày. Khi trồng trộn khoảng 5-8kg phân chuồng hoai mục + đất mặt + 200gr lân, trộn đều cho vào hố. Mọi lỗ giữa hố, đặt cây con sau khi đã xé bỏ bọc mủ (nilon), sau đó ém đất chặt gốc, cắm cọc cố định cây con và tưới nước.
Nếu trời nắng, có thể phải che nắng cho cây con trong vài ba ngày.
Chăm sóc:
- Đu đủ rất cần nước nhưng cũng rất sợ úng, do đó cần phải tưới cho cây trong mùa nắng và thoát nước cho cây trong mùa mưa.
- Từ 1 tuần sau khi trồng đến 1 tháng tuổi, dùng 20gr Urea + 30gr DAP/ cây/lần hoà tan lượng phân này tưới cho cây.
- Từ 1 tháng đến 3 tháng tuổi: Dùng 20-30gr Urea +30-50gr DAP/ cây, xới nhẹ quanh gốc, cách gốc 20-30cm (tránh làm đứt rễ) cứ khoảng 15 ngày bón một lần.
- Từ tháng thứ tư trở lên, bón 100-150gr 16-16-8 +30-50grKCL/cây lần, xới nhẹ quanh gốc, cách gốc khoảng 35-40cm hoặc vòng quanh tán cây. Bón một tháng một lần. Có thể dùng các loại phân khác để bón cho đu đủ nhưng cần chú ý cân đối tỷ lệ đạm, lan kali.
- Kết hợp phun phân bón lá, cần phun định kỳ cho cây 1 tháng 1 lần giúp cây sinh trưởng tốt, tăng sức chống chịu sâu bệnh.
- Làm cỏ thường xuyên để tránh cạnh tranh dinh dưỡng, hạn chế nơi ẩn nấp của sâu bệnh. Có thể dùng mủ (nilon) đen hoặc rơm rạ phủ gốc để tránh cỏ dại và bốc thoát nước.
- Phòng trừ sâu bệnh: những đối tượng gây hại nguy hiểm nhất trên cây đu đủ là:
+ Rệp sáp (Coccidae).
Thường gây hại trên thân và trái. Có thể sử dụng các loại thuốc Hopsan 75ND, Supracide 40EC, Confidor 0,05 EC để phòng trị.
+ Nhện đỏ (tetranychus)
Thường gây hại vào mùa nắng, lúc cây 2 tháng tuổi trở lên. Có thể phòng trừ bằng Danitol 10EC, Nissorun 5EC, Comite 73EC để trị. Cần luân phiên đổi thuốc vì nhện đỏ rất dễ kháng thuốc. Cần chú ý phun kỹ mặt dưới lá.
+ Bệnh thối cây non: Thường xuất hiện vào mùa mưa, có thể dùng Mimyl 12,5 BHN để phòng trị.
+ Các bệnh do virus: Bệnh khảm, đốm vòng, chùn đọt, các bệnh này chưa có thuốc đặc trị, chỉ có phòng ngừa bằng cách:
· Chọn cây giống ban đầu khoẻ mạnh, không có triệu chứng bệnh.
· Theo dõi phát hiện sớm và huỷ bỏ các cây chớm bị triệu chứng bệnh.
· Bón phân tưới nước đầy đủ, tạo điều kiện cho cây phát tiển mạnh, tăng sức đề kháng chống chịu bệnh, đặc biệt là giai đoạn trước khi cây ra hoa.
· Phòng chống và hạn chế các loại côn trùng chích hút lây bệnh

No comments:

Post a Comment